Nhắc tới thói quen hại gan, chúng ta không thể bỏ qua uống nhiều bia rượu. Tuy nhiên, cũng có những hành vi nếu làm vào buổi sáng cũng “tàn phá” lá gan không kém.
Nằm ở ổ bụng, ẩn bên trong lồng ngực, gan là cơ quan nội tạng có kích thước lớn nhất và nhóm có vai trò quan trọng nhất với con người. Gan có 4 chức năng chính, bao gồm: chức năng chuyển hóa (glucid, lipid, protid…), chức năng tạo – tiết mật, chức năng dự trữ vitamin – khoáng chất, chức năng chống độc – thải độc.
Đáng lo ngại là gan rất dễ bị tổn thương nhưng các dấu hiệu bệnh gan ở giai đoạn đầu lại thường không rõ ràng. Nên việc bảo vệ gan, phòng chống bệnh tật ngay từ đầu là tối ưu nhất. Mà khi nói tới bảo vệ gan, nhiều người sẽ chú trọng tránh xa bia rượu mà quên đi rằng có 5 thói quen xấu tưởng nhỏ bé nhưng cũng rất hại gan. Đặc biệt, nếu làm chúng vào buổi sáng thì còn hại gan hơn cả bia rượu, đó là:
1. Nhịn tiểu
Thực tế, không phải ai cũng duy trì được thói quen đi vệ sinh ngay khi cơn buồn ập đến. Nhất là khi đang ngủ ngon, sắp đến giờ phải thức dậy đi học, đi làm mà lại mắc tiểu. Lúc này, rất nhiều người sẽ cố gắng nhịn vì sợ thức dậy khó ngủ lại được. Hoặc chỉ đơn giản là không muốn xa chiếc giường êm ái hoặc chiếc chăn bông ấm áp. Nhưng hành vi này đang khiến lá gan “chết dần chết mòn”.
Nhiều người chọn nhịn tiểu để ngủ thêm buổi sáng mà không biết đó là thói quen hại gan (Ảnh minh họa)
Đi tiểu vào sáng sớm giúp đào thải các chất độc và cặn bã do thận đảm nhiệm chính sau 1 đêm làm việc dài. Lúc này, nước tiểu có chứa nhiều chất độc nhất, nếu không nhanh chóng được thải ra bên ngoài, chúng sẽ bị thận hấp thụ ngược trở lại, sau đó sẽ được chuyển về gan. Việc làm này diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến gan bị tích tụ chất độc, gây tổn thương gan nghiêm trọng.
Đồng thời, thói quen xấu này cũng gây hại trực tiếp cho thận và bàng quang. Gây ra các bệnh như suy thận, viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, bệnh cơ quan sinh dục và các rối loạn chức năng đi tiểu khác.
2. Uống trà, cà phê sai cách
Uống trà vốn là thói quen tốt cho sức khỏe, nhưng sáng sớm khi vừa thức dậy và bụng đói không thích hợp để dùng loại đồ uống này. Đặc biệt là đối với lá gan.
Mặc dù uống trà có tác dụng cải thiện tinh thần, tỉnh ngủ rất tốt nhưng nếu uống trà không đúng thời điểm, không những không có tác dụng giữ gìn sức khỏe mà còn tăng gánh nặng cho gan ở mức độ nhất định. Nhất là nếu bạn uống trà đặc.
Hành vi này sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, lâu ngày làm suy giảm chức năng gan và gây bệnh gan. Do trà càng đặc càng chứa nhiều caffeine và polyphenol, đều là những chất gây hại cho gan và thận khi dùng nhiều.
Tương tự, uống cà phê vào buổi sáng cũng rất hại gan, càng hại hơn nếu bạn uống cà phê khi bụng đói hoặc ngay khi vừa thức dậy. Hàm lượng caffeine rất cao trong cà phê thật sự không thân thiện với sức khỏe lá gan một chút nào!
3. Lười uống nước
Cần phải hiểu rằng, gan là cơ quan chuyển hóa và giải độc quan trọng của cơ thể con người. Để thực hiện các chức năng vừa kể, gan cần được cung cấp đủ nước, nhất là vào buổi sáng khi vừa thức dậy.
Uống một ly nước ngay khi thức dậy được xem là thói quen tốt cho gan, thận và tim mạch (Ảnh minh họa)
Đương nhiên, lười uống nước vào thời điểm nào trong ngày cũng không tốt cho gan, thận và toàn bộ cơ thể. Nhưng buổi sáng thì cơ thể thường yếu hơn sau một đêm ngủ dài, gan cũng cần cung cấp nước nhiều hơn để bắt đầu một ngày mới. Nếu cung cấp nước không đủ, chức năng của gan sẽ bị hạn chế, và một khi gánh nặng cho gan tăng lên, các vấn đề khác nhau cũng sẽ xuất hiện.
Thay vào đó, bạn nên uống một cốc nước lọc sau khi thức dậy mà tốt nhất là nước ấm nhẹ. Nó không chỉ tốt cho gan mà còn là thận, tim mạch, não bộ, tiêu hóa…
4. Nhịn ăn sáng
Theo các chuyên gia, không ăn sáng dễ dẫn đến cơ thể thiếu dinh dưỡng, thiếu protein và các nguyên nhân khác gây lắng đọng mỡ gan. Hơn nữa, sau một đêm ngủ dài cơ thể rất thiếu năng lượng, nhưng lại không ăn sáng thì sẽ không thể nào đáp ứng hoạt động bình thường.
Lúc này, cơ thể sẽ huy động glycogen trong gan, đồng thời khiến hoạt động của insulin trong cơ thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, do cơ thể bạn không có đủ thức ăn để cung cấp cho quá trình trao đổi chất nên lúc này gánh nặng cho gan sẽ tăng lên, lâu dần nếu gan bị quá tải sẽ xảy ra các hiện tượng bất thường, mắc bệnh tật.
Bỏ bữa sáng không chỉ “tàn phá” dạ dày mà còn gây hại cho lá gan của bạn (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nhịn ăn sáng kéo dài hoặc khoảng thời gian giữa bữa sáng tới bữa trưa quá dài còn ảnh hưởng xấu tới túi mật. Mật được giữ lại trong túi mật quá lâu, không được sử dụng khiến nước trong đó bị hấp thụ, dịch mật ngày càng trở nên nhớt và dần hình thành sỏi mật. Hành vi này thường ngày mặc dù không nhìn thấy, nhưng lâu ngày sẽ làm tổn thương gan.
5. Hút thuốc
Hút thuốc vào thời điểm nào trong ngày cũng hại nhưng buổi sáng, nhất là khi vừa thức dậy thì càng khủng khiếp. Các chất hóa học trong thuốc lá không chỉ hại phổi mà còn có thể gây bệnh cho gan. Bởi gan là “nhà máy lọc chất độc” ra khỏi cơ thể, khi hút thuốc khiến gan phải hoạt động nhiều và gan dễ bị tổn thương hơn. Nhất là vào buổi sáng khi thức dậy, bụng còn đói.
Bởi vì thời điểm này gan vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau một đêm giải độc và trao đổi chất. Đây là thời điểm gan còn yếu và dễ bị tổn thương nhất. Toàn bộ cơ thể cũng đang thiếu dinh dưỡng, các cơ quan nội tạng đang yếu lại phải thích nghi với thay đổi môi trường nên toàn bộ hệ miễn dịch đều yếu đi.
Trong khi đó, quá trình trao đổi chất vào buổi sáng sau khi thức dậy là tương đối chậm. Việc hút thuốc lúc này sẽ khiến các chất độc trong thuốc lá xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn, nhiều hơn và nặng nề hơn. Từ đó làm tăng gánh nặng giải độc cho gan, khiến cho gan của bạn dễ quá tải, suy yếu và mắc bệnh nếu lặp lại trong nhiều ngày.