Do thói quen sinh hoạt và tính chất công việc, bệnh thoái hóa cột sống không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà đang có xu hướng trẻ hóa rất nhanh.
“Thoái hóa” là cụm từ dành cho những bệnh lý cho người có tuổi như thoái hóa võng mạc, thoái hóa não, thoái hóa xương khớp, thoái hóa cột sống.
Một số yếu tố khiến quá trình thoái hóa cột sống tiến triển nhanh phải kể đến là về giới tính (nam giới bị tình trạng thoái hóa cột sống sớm và nhiều hơn nữ giới), về cân nặng (sức nặng của cơ thể gây áp lực lên cột sống), về thói quen sinh hoạt ít vận động, ngồi nhiều như tài xế, nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, việc tập luyện, vận động sai tư thế với cường độ cao hoặc gây chấn thương cột sống sẽ làm quá trình thoái hóa phát triển.
Thoái hóa cột sống thường gặp ở vùng cổ, thắt lưng. Do tính chất luôn phải hỗ trợ các vận động của con người nên những vùng này sẽ có diễn tiến thoái hóa nhanh hơn các vùng khác. Tại các vị trí bị thoái hóa sẽ có những dấu hiệu cơ bản để nhận biết như đau, tê, mỏi. Khi bệnh tiến triển nặng sẽ làm cho tay chân bị tê, yếu, thậm chí có thể gây teo cơ, liệt chi do tủy sống, rễ thần kinh bị chèn ép. Cụ thể, thoái hóa vùng cổ sẽ ảnh hưởng đến sức cơ của tay chân và thoái hóa vùng thắt lưng sẽ ảnh hưởng đến sức cơ của hai chân.
Quá trình thoái hóa diễn ra theo thời gian, chúng ta càng lớn tuổi sẽ dẫn đến sự phát triển của thoái hóa và không thể tránh khỏi điều này. Thế nên, bạn chỉ có thể dùng các biện pháp làm chậm sự tiến triển của sự thoái hóa như thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể và bổ sung thêm canxi, tránh các tư thế, động tác gây hại cho cột sống như bưng bê, khuân vác vật nặng, trẻ em cần phải ngồi thẳng lưng để học tập.
Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa cột sống như thay đổi thói quen sinh hoạt, tư thế hoạt động an toàn, thuốc điều trị nội khoa theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa (giãn cơ, giảm đau, kháng viêm), vật lý trị liệu kéo dãn cột sống cổ, cột sống thắt lưng. Nếu các phương pháp này không mang lại hiệu quả, lúc này bác sĩ có thể tư vấn điều trị ngoại khoa (tức là phẫu thuật).
Khi có triệu chứng đau tê ở vùng cột sống không chỉ là dấu hiệu của thoái hóa cột sống mà có thể liên quan đến bệnh lý viêm cột sống, lao cột sống, áp-xe cặn cột sống. Việc vận động mỗi ngày gây đau ở một vị trí có thể là đó là triệu chứng của thoái hóa cột sống, nhưng nếu như cơn đau xuất hiện bất thường thì bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra và không nên tự ý mua thuốc sẽ làm chậm quá trình điều trị bởi nhiều nguy cơ bạn đang mắc một căn bệnh khác.
Tùy vào triệu chứng của người bệnh, để chẩn đoán thoái hóa cột sống, bác sĩ sẽ tìm hiểu bệnh sử của người bệnh, khám và nhận định xem thoái hóa bị ở vùng nào, liên quan đến đốt sống nào của cột sống. Người bệnh có thể sẽ được chỉ định chụp X-quang, Citi hoặc Mri cột sống để có đánh giá chính xác hơn về bệnh lý. Bên trong cột sống chứa tủy sống và các rễ, dây thần kinh. Do đốt sống là cái trụ bao phủ tủy sống và các dây thần kinh nên khi bị thoái hóa sẽ gây chèn ép tủy sống, rễ thần kinh dẫn đến các triệu chứng về thần kinh”.